BÀI VĂN MẪU VỀ KẾT THÚC KHÁC CHO TRUYỆN “TẤM CÁM”
“Tấm Cám” là một trong những câu chuyện cổ tích quen thuộc trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam. Kết thúc theo bản gốc của câu chuyện là sau khi Tấm được nhà vua tìm thấy và rước về cung làm hoàng hậu thì Tấm đã tìm cách trả thù mẹ con Cám vì những hành động xấu xa, vô nhân tính của họ. Tấm đã cho Cám và một hố rồi dội nước nóng xuống, Cám chết. Sau đó, Tấm lấy xác của Cám làm mắm và gửi về cho mụ dì ghẻ ăn. Mụ ta ăn ngon lành và tới khi mắm gần hết thì mới phát hiện ra là mắm được làm từ xác con gái ruột của mình. Rồi mụ ta cũng lăn ra mà chết…Kết thúc này phù hợp với mô típ quen thuộc của dân gian: Ác giả ác báo, gieo gió thì gặt bão. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng với kết thúc này thì phải chăng, Tấm có hơi quá tay khi, nói thẳng ra là hơi tàn ác khi trả thù như thế không? Do đó, chúng ta có thể thay đổi một cách kết thúc khác cho truyện “Tấm Cám” như sau:
Trải qua bao nhiêu gian khổ, sống chết luân hồi thì Tấm được hóa thân thành người. Và nhờ đó mà nhà vua đã tìm lại được Tấm – người vợ thân thương của mình sau bao nhiêu tháng ngày xa cách. Sau đó, nhà vua ngay lập tức rước Tấm về cung, phong lại cho Tấm ngôi vị hoàng hậu. Tấm trở lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc như xưa.
Sau khi chứng kiến, Tấm lành lặn trở về không chút thương tích sau bao nhiêu lần bị hãm hại, mẹ con nhà Cám vô cùng bàng hoàng và sửng sốt. Thấy bóng dáng của Tấm xuất hiện trong hoàng cung, mẹ con Cám hoảng sợ rằng nhà vua sẽ biết chuyện tày đình này và ra lệnh chém đầu cả hai mẹ con. Vì vậy mà hai mẹ con nhà Cám bàn với nhau và quyết định bỏ trốn khỏi hoàng cung, bỏ đi biệt xứ. Một hôm, nhân lúc vắng quan binh, hai mẹ con Cám đã bỏ ra đi. Trên đường chạy trống, hai mẹ con Cám gặp một người hành khất nghèo khổ, rách nát. Nhìn thấy hai mẹ con Cám, người hành khất cất giọng:
– Hai người có thể cho tôi chút gì để ăn được không? Tôi thực sự rất đói!
Mặc dù mang theo trong người rất nhiều vàng bạc, ngọc ngà châu báu nhưng mụ dì ghẻ nói với người hành khất với giọng rất cay nghiệt:
– Ông xéo đi! Đồ dơ bẩn. Chúng tôi không có gì đâu!
Mụ dì ghẻ vừa dứt lời, mây đen kéo tới xám xịt cả bầu trời, người hành khất hóa thành ông bụt. Ông cất giọng cười sang sảng:
– Hai mẹ con các người làm không biết bao nhiêu chuyện độc ác. Trời đất không thể dung thứ được. Các người sẽ nhận được quả báo!
Ông bụt ngay lập tức biến mất, mây đen tan hết, hai mẹ con Cám biến thành hai con giun đất bò lổm ngổm trên mặt đường làng đầy phân trâu, phân bò.
BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ LẠI TRUYỆN TẤM CÁM VỚI 1 KẾT THÚC KHÁC
“Tấm Cám” là câu chuyện cổ tích quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam kể về cô Tấm dịu hiền, chăm chỉ nhưng lại bị đối xử tàn nhẫn bởi hai mẹ con dì ghẻ. Nàng phải làm hết việc trong nhà, bắt cá cả ngày bị Cám lấy hết mang về để đổi lấy chiếc yếm đào, ngay cả con cá bống duy nhất còn sót lại làm bạn với nàng mỗi ngày cũng bị hai mẹ con giết ăn, muốn đi dự hội thì lại phải nhặt riêng thóc và gạo ra. Thế nhưng may mắn được bụt giúp đỡ, nàng đã trải qua các khó khăn, được đi dự hội và gặp nhà vua nhờ chiếc giày đánh rơi. Tưởng rằng nàng sẽ được ở bên nhà vua sống cuộc sống hạnh phúc nhưng lại bị mẹ con Cám ghen ghét hại chết để thay thế bằng Cám. Trải qua bao kiếp luân hồi, Tấm đã vượt qua, trở thành Hoàng Hậu và sống hạnh phúc. Mẹ con Cám cũng bị trừng trị: Cám bị Tấm dội nước nóng chết và đem làm mắm cho dì ghẻ ăn, dì ghẻ ăn hết hũ mắm mới biết là con mình, lăn ra chết. Cái kết đã mang tới một số tranh cãi về việc Tấm liệu có còn hiền lành như ban đầu. Bởi vậy một cái kết mới có lẽ sẽ không phá hỏng hình ảnh cô Tấm hiền lành.
Khi thấy Tấm đã trở về, mẹ con Cám sợ hãi vua sẽ trừng trị những tội ác mà mình đã gây ra. Hai mẹ con vội vã thu gói đồ đạc, lấy hết vàng bạc châu báu tích cóp được chạy trốn. Mẹ con dì ghẻ chạy tới một ngôi làng ít người sinh sống để náu mình nhưng trên đường bị thổ phỉ ngăn cướp hết số vàng bạc. Không có tiền bên người lại quen sống trong xa hoa quyền quý, không động tay làm việc gì nên hai mẹ con chỉ có thể đi ăn mày kiếm miếng ăn qua ngày. Ăn không no lại thêm cuộc sống vất vả, mụ dì ghẻ mau chóng đổ bệnh. Cám phải cố gắng làm để kiếm ăn và kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Trong một lần đi ăn xin, Cám gặp vua và Tấm cải trang đi du hành. Tấm nhận ra Cám, giữ lại hỏi thăm. Sau khi nghe hết mọi chuyện, Tấm tới nơi mà bấy lâu nay mẹ con Cám sống. Thấy Tấm, dì ghẻ sợ hãi vô cùng:
– Sao con lại ở đây?
– Dì ơi, dì có sao lắm không? Trở về cùng con đi, con tìm dì và em lâu lắm rồi.- Tấm nhẹ nhàng nói.
– Dì đã làm nhiều việc có lỗi với con như vậy, sao con còn đối xử tốt với dì như thế.- Dì ghẻ ngạc nhiên hỏi.
– Sao dì lại nói thế? Con chỉ còn dì và em là người thân, chuyện đã qua rồi thì đừng nhắc tới nữa.
Sau một hồi khuyên nhủ, mẹ con Cám mới đồng ý cùng trở về. Nhưng do bệnh quá nặng, dì ghẻ không qua khỏi. Cám vì cái chết của mẹ cùng tội lỗi cũng không ở lại, từ biệt Tấm rời đi du hành khắp nơi.