Bài làm
Viễn Phương tên thật là Phan Thanh Viển, là một nhà thơ trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược. Năm 1976, miền Nam được giải phóng, đất nước ta được thống nhất, Viển Phương ra thăm miền Bắc, ông đã đến viếng lăng Chủ tịch Hổ Chí Minh. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác trong dịp đó, và in trong tập thơ “Như mấy mùa xuân”. Bài thơ là những xúc cảm chân thành của nhà thơ đối với vị cha già vĩ đại của dân tộc.
Theo chân nhà thơ, ta đi theo mạch cảm xúc từ những phút ban đầu ông đến lăng Bác:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Cưng “con” gọi “bác” – tác giả thể hiện tình cảm vừa gần gũi vừa thành kính. Nhà thơ không nói ra “viếng” mà là ra “thăm”- một cách sử dụng từ nói giảm nói tránh nhằm giấu nỗi đau mất mát của hà thơ trước sự ra đi của Người.
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”
Ấn tượng đầu tiên của nhà thơ đó là hàng tre – hình ảnh gắn liền với làng quê Việt Nam. Tre cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu kiên cường trong suốt hai cuộc kháng chiến và nay xanh tươi quanh lăng như đanh canh giữ cho Bác giấc ngủ yên bình. Nhà thơ hẳn phải đi từ rất sớm mới có thể thấy được làn sương bao quanh hàng tre và mặt trời lên cao dần:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Câu trên tả cảnh mặt trời mọc, câu dưới lại được nhà thơ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ một cách tài tình. Mặt trời thiên nhiên thì đem lại ánh sáng và sự sống cho muôn loài. “Mặt trời trong lắng” – là Bác – đem lại ánh sáng độc lập, tư do cho dân tộc.
Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác cũng gợi bao cảm xúc trong lòng nhà thơ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Điệp ngữ “ngày ngày” gợi ra hình ảnh những người dân Việt Nam luôn nhớ tới Bác – một nỗi nhớ bao trùm lên mọi thời gian và không gian. “Tràng hoa” chính là biểu hiện của lòng ngưỡng mộ và thành kính của mọi người đến Bác.
Khi vào trong lăng, cảm xúc của nhà thơ như vỡ òa:
Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Đối với ông, Bác như đang chìm vào một giấc ngủ nhẹ nhàng, yên bình. “Vầng trăng sáng dịu hiền” chính là những tình cảm của người dân khi vào lăng viếng Bác: chân thành, tiếc thương, tôn kính. Đau xót chôn chặt bấy lâu nay mới được nhà thơ cất lên bằng lời:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
“Trời xanh” là một hình ảnh ẩn dụ cho những tình cảm của Bác dành cho nhân dân, sự nghiệp của Bác đối với vận mệnh của đất nước sẽ mãi tồn tại một cách trường tồn. Dù vậy, sự ra đi của Bác vẫn là nỗi mất mát quá lớn, không gì bù đắp được.
Cuộc hội ngộ nào cũng sẽ có lúc phải chia li. Khi sắp phải trở về miền Nam, nhà thơ không khỏi tiếc thương:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”
Nhà thơ vẫn còn nhiều vấn vương, lưu luyến không nỡ rời xa, để rồi từ những tình cảm chân thành ấy, ông bày tỏ niềm mong ước của chính mình.
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
Điệp Ngữ “muốn làm” diễn tả tình cảm dào dạt, tha thiết của nhà thơ đối với Bác. Một lần nữa, hình ảnh cây tre xuất hiện trong bài thơ, cho thấy tấm lòng của nhà thơ dành cho Bác là mãi mãi, không gì có thể thay đổi được.
Giọng thơ trang nghiêm, thành kính thực sự đã làm toát lên không khí thiêng liêng của lăng Bác. Đồng thời, những suy tư, cảm xúc biết ơn, thành kính và xót xa không chỉ thể hiện tình cảm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác, mà còn là tình cảm chung của triệu trái tim Việt Nam đối với Người – vị cha già kính yêu của dân tộc.