Bài làm
Câu 1. Hai câu thơ đầu đã nói lên quy luật nào của tự nhiên ? Nếu đảo vị trí câu thơ thứ hai lên câu đầu thì ý thơ thay đổi khác nhau như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
– Hai câu thơ đầu đã diễn tả quy luật biến đổi của thiên nhiên. Đó là quy luật từ khi con người được sinh ra đã nhận thấy. Quy luật tự nhiên ấy được biểu hiện qua các sự vật và hiện tượng thiên nhiên mà đại diện là hình ảnh cây cối có những biến đổi theo thời tiết, từ mùa này sang mùa khác. Thông thường, mùa xuân đến thì hoa nở và câu thơ đã tái hiện đúng theo quy luật thiên nhiên ấy: “Xuân tới trăm hoa nở”. Tuy nhiên, giữa hai câu thơ nói về hiện tượng hoa nở, hoa tàn thì câu thơ miêu tả cảnh hoa rụng lại được đặt lên trước và câu thơ miêu tả cảnh hoa nở lại đặt ở sau. Qua cách tái hiện khung cảnh thiên nhiên đó, nhà thơ muốn nói về sự luân hồi của sự sống trong thiên nhiên, từ mùa đông hoa rụng mới tới được mùa xuân hoa nở. Hoa tàn rồi hoa lại nở là điều dễ nhận thấy trong cuộc sống của con người hàng ngày quan sát thiên nhiên. Hình ảnh xuân và hoa mang đến ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp, sự ấm áp tràn đầy sức sống của thời tiết và cây cỏ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi vòng luân hồi nở – tàn của tạo hóa.
– Nếu có sự đảo ngược hai câu thơ thì ý thơ sẽ thay đổi, làm mất đi tính triết lí mà tác giả gửi gắm trong bài thơ. Chỉ có cách sắp xếp câu thơ như vậy mới hợp nhịp điệu bắt vần của thể thơ và đặc biệt diễn tả được hai quy luật sinh trưởng và quy luật tuần hoàn tất yếu trong tự nhiên.
Câu 2: Câu thơ 3 và 4 nói lên quy luật gì trong cuộc sống của con người ? Cảm nhận của anh (chị) về tâm trạng của tác giả qua hai câu thơ này.
Gợi ý trả lời:
– Câu thơ thứ 3 và thứ tư đã diễn tả quy luật không tuần hoàn của đời người. Thời gian và sự việc đã qua đi, con người trải qua năm tháng cũng sẽ già đi và những gì đã xảy ra là không thể thay đổi được. Hình ảnh mái đầu bạc là hình ảnh tượng trưng cho tuổi già. Đó là biểu hiện cụ thể nhất cho sự biến đổi của con người trước sự ảnh hưởng của thời gian.
– Hai câu thơ nhằm diễn tả tâm trạng của nhà thơ như nuối tiếc, xót xa bởi con người không có khả năng luân hồi sự sống như cây cối và cuộc đời con người sẽ đi về phía huỷ diệt, không thể cứu vãn. Cũng vì thế mà tác giả muốn đưa ra triết lí nhân sinh sâu sắc rằng con người phải sống cho đáng với thời gian vốn có của mình, phải suy nghĩ chín chắn và hành động một cách cẩn trọng, tránh những hối tiếc về sau.
Câu 3. Hai câu cuối có phải là thơ tả thiên nhiên không? Câu đầu và câu cuối có mâu thuẫn không? Vì sao? Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng cành mai trong câu thơ cuối?
Gợi ý trả lời:
– Hai câu thơ cuối không phải đơn thuần là những câu thơ miêu tả thiên nhiên vì xuân tàn, hoa rụng để báo hiệu sự chuyển giao sang một mùa mới là mùa hè. Tuy nhiên ở đây lại có hình ảnh cành hoa mai xuất hiện. Hoa mai là loài hoa chỉ nở vào cuối đông, đầu xuân, được dùng làm một trong các loài hoa tượng trưng cho mùa xuân nên có thể hiểu rằng, câu thơ không phải là đơn thuần miêu tả thiên nhiên.
– Hai câu thơ đầu bài và cuối bài có sự mâu thuẫn với nhau vì khung cảnh mùa xuân đã qua đi: “Xuân qua hoa rụng hết” vậy mà sau đó, nhà thơ vẫn thấy cảnh “Đêm qua sân trước một cành mai”. Xuân đã qua đi, hoa cũng tàn hết nhưng vẫn còn sót lại một cành mai thì có sự mâu thuẫn rất kì lạ.
– Hình tượng cành mai đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận và suy nghĩ về triết lí nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ. Thứ nhật, cành mai xuất hiện đã phủ nhận cái quy luật vận động và biến hóa của tự nhiên ở bốn câu thơ đầu. Dù cho xuân sắp đi qua, muôn loài hoa đã lìa cành nhưng vẫn còn cành mai nở hoa trong đêm. Thứ hai, hình ảnh cành mai còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của vạn vật và con người. Nó thể hiện niềm tin vào con người vượt lên tất cả sự sống, chết, thịnh, suy. Đó là quy luật của sự bất biến. Có điều phải hiểu đây là sự bất biến về tư tưởng, tình cảm, ý chí (bất biến bên trong) chứ không phải là sự bất biến về hình thức con ngưòi. Cành mai là sự biểu hiện tính bất biến trong tinh thần nhà thơ.
– Hơn nữa, hình ảnh cành mai còn là hình tượng nghệ thuật cao đẹp, tượng trưng cho cốt cách thanh cao, tâm hồn đáng quý. Đây không phải cái đẹp của bức tranh tứ bình: tùng, trúc, cúc, mai thường được dùng để diễn tả sự thanh cao, quý phái mà là cái đẹp thực tại của tinh thần lạc quan, mạnh mẽ và kiên định trước những biến đổi của trời đất và thời cuộc. Điều này giúp chúng ta hiểu thêm con ngưòi thời Lý và quan niệm của con người trong thời kì Phật giáo thịnh đạt. Dù đã tu hành nhưng các thiền sư không quay lưng lại với cuộc đời mà vẫn đầy bản lĩnh, đầy ý chí tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, giúp đỡ nhân dân.
Câu 4: Anh (chi) hãy làm sáng tỏ lòng yêu đời và cái nhìn lạc quan của tác giả.
Gợi ý trả lời:
Lòng yêu đời và cái nhìn lạc quan của tác giả được thể hiện rõ nét trong đoạn cuối bài thơ. Từ ý nghĩa của việc sắp xếp trật tự trong hai câu đầu là thể hiện cái nhìn triết lí sâu sắc về cuộc đời, về thiên nhiên tới việc đưa ra hình ảnh cành mai đã giúp tạo nên bài thơ có ý nghĩa tượng trưng cho niềm tin, hi vọng, lòng yêu đời và yêu người của nhà thơ. Các câu thơ được sắp xếp một cách đặc biệt nhằm thể hiện triết lí nhân sinh sâu sắc mà thiền sư chiêm nghiệm được trong quá trình tu hành của mình. Qua đó ta cũng thấy được tài năng và phẩm chất của những thiền sư đắc đạo trong thời trung đại.