Bài làm
Câu 1: Tác giả so sánh “Vận nước như dây mây len quấn quýt” nhằm diễn tả điều gì ?
Gợi ý trả lời:
Trong câu thơ thứ nhất, tác giả tạo hai vế so sánh “vận nước” với “dây mây len quấn quýt” như vậy nhằm diễn tả quan niệm: vận nước không chỉ do vua định đoạt mà còn phụ thuộc vào nhiều mối quan hệ ràng buộc với nhân dân. Vì vậy, sự hưng thịnh hay suy vong của một đất nước không thể phụ thuộc vào một yếu tố mà thành. Nó là quan hệ của nhiều yếu tố và để giữ được vận nước phát triển dài lâu, thịnh vượng, nhà vua cùng triều thần cần chú tâm chú tâm. Tuy thiền sư Pháp Thuận không trực tiếp nói ra nhưng ta hiểu đó là lời khuyên của ông đối với việc trị quốc của vua chúa cần có đường lối trị quốc tốt, phù hợp; cần có quan hệ ngoại giao và các nước láng giềng tốt; cần xây dựng quân đội có tiềm năng về quân sự; cần có tiềm lực về kinh tế; cần có sự nhất trí cao giữa người đứng đầu và muôn dân… Từ đó có thể thấy rằng, mối quan hệ giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài quốc gia phải có sự liên kết, hòa hợp với nhau, trong đó phải lấy dân làm gốc, dựa vào sức dân mới thành được, từ việc xây dựng quân đội tới kinh tế đất nước đều cần có sự góp sức của nhân dân mới thành công.
Câu 2: Tâm trạng tác giả trước hoàn cảnh đất nước được thể hiện như thế nào ?
Gợi ý trả lời:
Tâm trạng tác giả trước hoàn cảnh đất nước được thể hiện một cách kín đáo qua lời thơ đầy ý nghĩa triết lí sâu sắc. Tác giả mặc dù là một thiền sư đã về chốn thanh tịnh tu hành nhưng không quên dõi theo hoàn cảnh dân chúng, nắm được tình hình đất nước và thấu hiểu cách trị nước lâu bền. Chính vì thế, ông muốn đem hiểu biết của mình về tư tưởng trị quốc tiến bộ mà bày tỏ với nhà vua (người đứng đầu đất nước). Từ đó, ông muốn nhắn nhủ cho vua quan biết cách làm thế nào để giữ cho đất nước yên bình, vui vẻ, dân được an cư lạc nghiệp. Mặc dù đã thoát tục, đã không màng thế sự nhưng thiền sư vẫn không quên góp sức mình bảo vệ cho nền hòa bình của đất nước và góp phần xây dựng đời sống yên bình, tốt đẹp cho nhân dân.
Câu 3: Anh (chị) hiểu thế nào là “vô vi”? Vì sao tác giả khẳng định: “Vô vi trên điện các – Chốn chốn dứt đao binh” ?
Gợi ý trả lời:
– Quan niệm “vô vi” ở đây là theo triết lí của nhà Phật, có nghĩa là từ bi bác ái, trị dân phải hướng tới đời sống của nhân dân, vì dân mà thi hành các chính sách an dân.
– Câu thơ hoàn chỉnh là: “Vô vi trên điện các”. “Điện các” là từ chỉ nơi thiết triều của vua và quan bàn việc trị quốc. Chính vì vậy, từ này cũng được dùng để chỉ triều đình, chỉ nhà vua. Cả câu thơ nên hiểu với ý là vua quan muốn giữ yên vận nước và để vận nước phát triển thịnh vượng nhà vua phải “vô vi”, phải làm những gì thuận với tự nhiên, thuận theo lòng ngưòi, không nên vì lợi ích cá nhân mà quên mất mục đích của việc trị quốc là hướng tới cuộc sống an yên cho dân chúng. Theo quan niệm của đạo Phật, làm cho mọi chúng sinh được yên vui, xoá bỏ mọi khổ đau của họ mới là tư tưởng lo cho dân, tư tưởng trị quốc tích cực thực sự.
– Nếu làm được điều mà thiền sư nói, nhà vua có được các chính sách tốt cho dân thì tất yếu sẽ được nhân dân ủng hộ, tạo nên cuộc sống thanh bình của dân chúng, chấm dứt mọi suy nghĩ tiêu cực muốn chống đối triều đình trong dân gian. Câu thơ: “Chốn chốn dứt đao binh” có nghĩa là mọi nơi trên đât nước đều không có cảnh chém giết nữa, không còn chiến tranh, đời sống nhân dân ổn định thì đất nước sẽ thanh bình. Không có chiến tranh thì vận nước ắt hưng thịnh, ngôi vua cũng nhờ thế mà được vững bền.
Câu 4: Hai câu thơ cuối phản ánh truyền thống tốt đẹp gì của dân tộc Việt Nam ?
Gợi ý trả lời:
– Hai câu cuối bài thơ đã phản ánh truyền thống yêu nước nồng nàn và khao khát đầy tính nhân đạo là mong ước nền hoà bình thịnh trị cho nhân dân. Đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam đã lưu truyền từ đời này sang đời khác.
– Đây là lời nhà sư trả lời vua Lê Đại Hành khi được vua hỏi về cách trị quốc. Bài thơ đã bộc lộ tư tưởng trị nước đúng đắn: lấy dân làm gốc và tô đậm tính chất triết lí nhân văn trong tư tưởng trị quốc của thiền sư.